Việc quản lý các giao dịch cryptocurrency như thế nào để hợp lý là điều Chính phủ các nước đặt ra trong những năm qua. Tại Việt Nam, đây vẫn là một vùng màu xám bởi những quy định không rõ ràng trong cách quản lý.
Cấm hay không cấm thì Nhà nước Việt Nam nên xây dựng bộ khung pháp lý cho những giao dịch cryptocurrency một cách an toàn, hợp pháp
Bắt đầu từ năm 2017 – thời điểm giá Bitcoin bùng nổ lên đến $ 20.000 – Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ký Quyết định 1255 phê duyệt Đề án Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo. Tháng 3 vừa qua, Văn phòng Chính phủ tiếp tục có công văn nhắc lại yêu cầu này.
Tuy nhiên, người dân vẫn liên tục giao dịch tiền cryptocurrency và thị trường Việt Nam được xem là một trong những nơi có hoạt động crypto khá sôi nổi. Và cũng vì chưa có các quy định rõ ràng về cơ chế quản lý, giám sát hoạt động giao dịch và phát hành nên cryptocurrency đã bị lợi dụng trở thành một kênh rửa tiền, tài trợ khủng bố, lừa đảo và các hoạt động phi pháp khác.
Cho đến nay, vẫn chưa thấy vụ tranh chấp nào về tiền điện tử được đưa ra xét xử. Nguyên nhân được xác định là do trong tất cả các bộ luật hiện hành không có điều khoản nào quy định về lĩnh vực này nên không có cơ sở pháp lý để giải quyết các vụ việc.
Thực tế, giao dịch cryptocurrency mang tính toàn cầu và ở Việt Nam đang diễn ra dưới nhiều tên gọi khác nhau. Vì vậy, nếu cấm thì không chỉ đi ngược với xu thế của thời đại, mà còn tạo cơ hội để lừa đảo những người thiếu hiểu biết.
Trong khi chờ đợi một khung pháp lý quản lý về tiền điện tử, các cơ quan quản lý Nhà nước vẫn chỉ dừng lại ở mức độ tuyên truyền và đưa ra những khuyến cáo các nhà đầu tư cẩn trọng khi tham gia đầu tư vào cryptocurrency để hạn chế những tổn thất có thể xảy ra.
Gần đây, Bộ Tài chính đã thành lập Tổ nghiên cứu về tài sản ảo, tiền ảo. Bộ này cũng sẽ tiếp tục thúc đẩy công tác nghiên cứu để đề xuất với Chính phủ về cơ chế quản lý, giám sát các hoạt động liên quan đến tiền điện tử. Tuy nhiên, để xây dựng được khung pháp lý hoàn chỉnh đòi hỏi phải có sự phối hợp đồng bộ và khẩn trương của 12 bộ, ngành có liên quan như chỉ đạo trong Quyết định 1255 của Thủ tướng Chính phủ.
Trong khi các cơ quan chức năng ở Việt Nam chưa làm rõ khái niệm cryptocurrency… nên chủ trương chung là không thừa nhận các giao dịch liên quan, tại một số ngân hàng Trung ương trên thế giới, tiền kỹ thuật số quốc gia lại đang trở thành xu hướng phát triển.
Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam vẫn ở vùng màu xám – không cấm rõ ràng nhưng cũng không ủng hộ.
Theo AZCoin News