(Theo Vietnamnet.vn) Cho rằng ông Lê Đức Nguyên là trùm lừa đảo tiền ảo, khiến cho mình tán gia bại sản nên một nhóm người tổ chức đi bắt người, đòi nợ.
Vì sao có vụ cướp tiền ảo trị giá 35 tỷ đồng?
Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện KSND cùng cấp đề nghị truy tố 16 bị can có liên quan đến vụ chặn xe trên cao tốc, tổ chức cướp… tiền ảo có giá trị quy đổi hơn 37 tỷ đồng xảy ra hơn một năm trước.
Trong 16 bị can bị đề nghị truy tố về hành vi “cướp tài sản”, công an xác định những người cầm đầu là Hồ Ngọc Tài (SN 1989), Trần Ngọc Hoàng (SN 1983, cùng quê Đà Nẵng).
Đáng nói trong vụ án này có một số người tham gia khi đó là cán bộ công an công tác tại TP.HCM như: Nguyễn Quốc Dũng (SN 1981), Nguyễn Anh Tuấn (SN 1993), sau vụ đó đã bị tước danh hiệu CAND.
Các bị can chính trong vụ chặn ô tô trên cao tốc, cướp tiền ảo có giá trị quy đổi 37 tỷ đồng
Theo điều tra, Tài và Hoàng đều là những người đầu tư tiền ảo. Giai đoạn năm 2016 cả hai quen biết với Lê Đức Nguyên (tự Lucas, SN 1988, quê Bình Định).
Ông Nguyên nổi lên là một chuyên gia tài chính, một đại gia tiền ảo, kêu gọi nhiều người đầu tư vào tiền ảo Bitkingdom, sau này là tiền ảo Pincoin. Tuy nhiên, có nhiều người tố cáo ông Nguyên lừa đảo.
Trở lại vụ án, Tài và Hoàng khai rằng, sau khi quen ông Nguyên một thời gian thì ông này định hướng cả hai bán các đồng tiền ảo đang sở hữu như Bitcoin để đầu tư vào các đồng tiền mới như: đồng Ifan, đồng Aureus… Kết cục cả hai đều bị thua lỗ, nợ nần.
Do quen biết nhau, cùng bị thua lỗ nên Tài và Hoàng rủ nhau đi gặp ông Nguyên đòi lại 1.000 Bitcoin, vì cho rằng thua lỗ là do bị ông Nguyên dụ dẫn vào trò lừa đảo. Tuy nhiên, ông Nguyên từ chối không gặp. Cả hai quyết “xử lý” ông Lê Đức Nguyên, để đòi lại tài sản.
Súng bắn đạn bi mà các đối tượng sử dụng để uy *** “đại gia tiền ảo” Lê Đức Nguyên
Thông qua mối quan hệ, Tài thuê Mai Xuân Phốt (SN 1992, quê Đà Nẵng) điều tra, theo dõi về các hoạt động của ông Nguyên, với tiền công 35 triệu đồng. Tài còn rủ thêm Trịnh Tuấn Anh (SN 1985, quê Đà Nẵng) cũng là người đầu tư tiền ảo bị thua lỗ, cùng tham gia.
Tài chuyển cho Tuấn Anh 50 triệu đồng để làm chi phí và hứa khi xong việc sẽ cho 30% từ số tiền đòi được. Tài còn rủ thêm nhiều người bạn của mình cùng tham gia đi… đòi nợ.
Nhóm đối tượng “thám tử” đã nắm bắt được địa chỉ, nhất cử nhất động của ông Nguyên; thậm chí chúng còn gắn cả định vị vào ô tô.
Ngày 11/5/2020, Tài và Hoàng từ Đà Nẵng vào TP.HCM gặp một số người để lên kế hoạch chi tiết. Hôm sau, nhóm đối tượng đã thực hiện màn dàn cảnh để Phốt va chạm xe gắn máy, chặn xe ô tô của ông Nguyên tại phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2 (nay là TP Thủ Đức). Nhưng lần đó, ông Nguyên thoát thân được.
Vụ chặn ô tô trên cao tốc để cướp như phim
Sau phi vụ bất thành, Tài, Hoàng và đồng bọn họp lên kế hoạch chi tiết. Lần này có “quân sư” là những cán bộ công an như: Nguyễn Quốc Dũng, Nguyễn Anh Tuấn.
Biết ông Nguyên đưa vợ con về nhà cha mẹ ở TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng, nên chúng lên kế hoạch dàn cảnh va chạm ô tô để bắt cóc. Chúng còn chuẩn bị súng bắn đạn bi và kim tiêm chứa thuốc đỏ giả máu HIV nhằm uy *** ông Nguyên.
Nhóm đối tượng đi nhiều ô tô, lần theo định vị, bám theo ông Nguyên lên đến Bảo Lộc nhưng vì đông đúc không thể ra tay.
Lê Đức Nguyên, nổi lên là đại gia tiền ảo nhưng có nhiều người tố cáo
Trưa 17/5/2020, ông Nguyên lái ô tô đưa gia đình về lại TP.HCM, cả nhóm lại bám theo. Khi xe ông Nguyên đến gần trạm thu phí cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây thuộc tỉnh Đồng Nai thì chúng dàn cảnh một ô tô đâm vào sau xe. Cùng lúc đó, hai ô tô khác cũng khoá đầu và bên hông.
Ông Nguyên và em vợ bước xuống xe giải quyết vụ va chạm thì bị khống chế, bịt mắt, trói tay… đưa vào lại ô tô của ông Nguyên. Vợ và con nhỏ của ông Nguyên thì bị nhóm đối tượng đưa qua xe khác.
Trên xe, nhóm đối tượng dí súng uy hiế.p ông Nguyên và em vợ. Chúng yêu cầu ông Nguyên mở ví ảo chuyển Bitcoin vào ví ảo của chúng, nếu không sẽ tiêm máu có HIV vào người. Hoàng và đồng bọn trực tiếp uy hiế.p ông Nguyên để chuyển lượng lớn tiền ảo, có giá trị 37 tỷ đồng sang ví điện tử của Hoàng.
Tài và Hoàng còn dừng xe, ép người gọi điện thoại cho anh ruột của ông Nguyên yêu cầu chuyển 1.000 Bitcoin qua ví điện tử của Tài. Nhưng qua điện thoại đã nghe tiếng ông Nguyên la hét, cầu cứu nên người anh ruột không chuyển.
Nhóm bị can thực hiện vụ cướp, là nạn nhân của trò lừa đảo tiền ảo?
Nhóm đối tượng đưa cả gia đình ông Nguyên về một địa điểm ở phường Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức rồi vứt lại đây, cả nhóm tẩu thoát. Chúng còn chiếm đoạt một camera hành trình trên xe của ông Nguyên và ba điện thoại.
Tài, Hoàng và đồng bọn đã bán số tiền ảo chiếm đoạt được, để chia nhau tiêu xài và một phần còn lại tái đầu tư vào tiền ảo.
Bốn ngày sau, ông Nguyên mới đến Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an phía Nam để trình báo vụ việc. Khoảng một tháng sau, Bộ Công an bắt 19 đối tượng và qua sàng lọc đã khởi tố 16 đối tượng về hành vi “cướp tài sản”.
Trong vụ án này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tài Chính có công văn trả lời cơ quan điều tra Bộ Công an rằng “Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam”.
Tuy thế, cơ quan điều tra cho rằng, trên thực tế, Bitcoin và các loại tiền ảo có giá trị thực và được mua bán trên thị trường giao dịch tiền ảo, chuyển đổi lấy tiền Việt Nam đồng.
Căn cứ vào tỷ giá quy đổi các đồng tiền ảo trên sàn tiền ảo Binance.com, Bộ Công an xác định nhóm bị can đã chiếm đoạt của ông Nguyên 167,39 Bitcoin, tương đương hơn 37 tỷ đồng.
Riêng một camera hành trình và ba điện thoại nhóm đối tượng chiếm đoạt được của gia đình ông Nguyên cũng được định giá hơn 45 triệu đồng.
Theo: tradeviet