Sở Công Thương Hà Nội vừa yêu cầu các tổ chức, cá nhân có liên quan đến kinh doanh thương mại điện tử trong thành phố, không được sử dụng Bitcoin và các cryptocurrency khác cho các giao dịch trực tuyến.
Sở Công Thương Hà Nội nhấn mạnh, theo các quy định Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt, quy định về phương tiện thanh toán, thì Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam; việc phát hành, cung ứng, sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác là hành vi bị cấm tại Việt Nam.
Mặt khác, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp sẽ bị phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với cá nhân và gấp đôi đối với tổ chức. Đồng thời, từ ngày 1.1,2018, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả Bitcoin và các loại cryptocurrency ttương tự khác) có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Sở Công Thương yêu cầu các tổ chức, cá nhân trực tiếp hoặc liên quan đến kinh doanh thương mại điện tử trên địa bàn thành phố Hà Nội nghiêm túc chấp hành các quy định nêu trên, không sử dụng Bitcoin và các loại cryptocurrency tương tự khác trong thanh toán giao dịch thương mại điện tử, mua bán hàng hóa trực tuyến, thanh toán dịch vụ trực tuyến trái quy định của pháp luật Việt Nam. Trường hợp phát hiện hành vi vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Nhìn chung, Việt Nam đã “mạnh tay” với cryptocurrency hơn hẳn sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu chính phủ và các cơ quan tài chính thắt chặt giám sát các hoạt động liên quan tới chúng.
Động thái này của giới chính quyền ít nhiều liên quan đến các báo cáo về vụ lừa đảo cryptocurrency đang “gây bão” thời gian gần đây. Theo đó, với 15.000 tỷ VNĐ và 32.000 nạn nhân, iFan và Pincoin (2 ICO scam do công ty Modern Teach vận hành) đã buộc chính phủ Việt Nam phải vào cuộc. Có thể nói, với mức thiệt hại 20.000 USD/người, đây được xem là vụ lừa đảo về cryptocurrency lớn nhất trong lịch sử. Sau vụ này, nhà nước lại càng có lý do để xiết chặt những quy định pháp lý hơn.
Bitcoin là hàng hay tiền?
Ngày 28.10.2017, Ngân hàng Nhà nước gửi thông cáo báo chí nhằm khẳng định Bitcoin và các loại cryptocurrency khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam.
Ông Trịnh Minh Phúc, đồng sáng lập Bitcoin Việt Nam cho biết:
“Luật này đã có từ năm 2012, NHNNVN chỉ nhắc lại chứ không phải quyết sách mới. Việc nhắc lại chỉ nhằm khẳng định Bitcoin không phải là loại tiền tệ hợp pháp.
Việc thanh toán các trao đổi hàng hoá và dịch vụ trong lãnh thổ Việt Nam bắt buộc phải được niêm yết bằng đồng nội tệ VNĐ. Ví dụ nếu niêm yết hàng hóa tại Việt Nam bằng USD hay Bitcoin là vi phạm luật này”.
Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright từng chia sẻ về tác hại nếu Bitcoin được hợp thức hóa:
“Nếu Việt Nam có thêm một đồng tiền là Bitcoin với đầy đủ chức năng của một đồng tiền sau VNĐ và các ngoại tệ mạnh được thừa nhận, thì Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ rất khó điều hành chính sách tiền tệ, không khác gì tình trạng “USD hóa” hiện nay.”
Còn theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, chỉ cần user không niêm yết giá sản phẩm bằng Bitcoin, họ hoàn toàn không phạm pháp.
P.Trâm – Theo Cointelegraph