Site icon

Cảnh giác những chiêu trò lừa đảo qua lời rao bán vé online trận chung kết Việt Nam – Malaysia ngày 15-12 tới.

Trên mạng internet xuất hiện nhan nhản những lời rao bán vé trận chung kết Việt Nam – Malaysia ngày 15-12 tới. Người mua cần rất cảnh giác trước những chiêu trò lừa đảo.

10h sáng nay 11-12, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) bán đợt cuối với số lượng 2.500 vé trận chung kết AFF Cup 2018 giữa đội tuyển Việt Nam và đội tuyển Malaysia. Tương tự như 3 đợt mở bán trước đó, vé mau chóng được bán hết sau khoảng 5 phút. Thời điểm này, người có nhu cầu chỉ còn có thể đặt mua, giao dịch vé tại chợ “đen”.

Khác với những lần trước, VFF áp dụng phương thức phát hành vé duy nhất là bán qua mạng internet. Cũng vì thế, thị trường chợ “đen” online trở nên sôi động hơn.

Một người tự nhận có vé mời của VFF và rao bán 12 triệu đồng/cặp

Ngay từ trưa 10-12, thời điểm vừa kết thúc đợt mở bán vé lần 1, trên mạng internet đã bắt đầu xuất hiện những lời rao bán vé trận chung kết. Và cho tới hôm nay, số lượng những tin rao bán vé tăng nhanh chóng mặt. Đây được hiểu là lời rao của những người đã mua vé online thành công, không có nhu cầu nên bán lại kiếm tiền chênh lệch.

Theo khảo sát, vé tại chợ “đen” online có giá cao gấp 5-10 lần mệnh giá gốc (gồm 4 mệnh giá 200, 350, 500 và 600 nghìn đồng/vé). Vé mệnh giá thấp nhất là 200 nghìn đồng được rao với mức từ 1,8 đến 3 triệu đồng/cặp. Trong khi loại vé đẹp (600 nghìn đồng) hay vé mời được rao từ 8-10 triệu đồng/cặp, cá biệt có người chào bán với mức 12 triệu đồng/cặp (tức chênh hơn 10 triệu đồng so với mệnh giá gốc).

So với “chợ đen truyền thống” trước cửa sân Mỹ Đình, vé chợ “đen” online có biên độ chênh lệch giá cao hơn, cùng một mệnh giá vé nhưng hai người khác nhau có thể chào bán chênh nhau tới vài triệu đồng.

Những lời rao bán vé chung kết nhan nhản trên mạng internet

Tuy nhiên, người hâm mộ cũng cần rất thận trọng nếu có ý định giao dịch mua vé từ thị trường này, bởi xen lẫn những người có nhu cầu nhượng lại thật có nhiều kẻ lợi dụng sức hút của trận chung kết để lừa đảo.

Phương thức lừa đảo phổ biến được ghi nhận tới thời điểm này là người bán tự nhận là “người của VFF”, hoặc “có người thân làm ở VFF” nên được tặng vé mời, hoặc mua được số lượng vé lớn, đủ các mệnh giá đồng thời đưa ra mức giá hấp dẫn, sau đó yêu cầu người mua phải đặt cọc tiền (bằng cách chuyển khoản ngân hàng) như một cách “giữ chỗ”. Tuy nhiên sau khi nhận được tiền cọc từ người mua, người bán đột nhiên “mất hút”.

Một chiêu trò lừa đảo khác đã từng xảy ra ở đợt bán vé trận bán kết Việt Nam – Philippines, đó là các đối tượng in vé giả giống hệt vé thật, rồi chào bán trên mạng. Do người mua trên chợ “đen” online hầu hết chưa được tiếp cận vé thật nên khó phân biệt, nếu không tìm hiểu kỹ khuyến cáo từ ban tổ chức (ví dụ như: dòng chữ AFF Suzuki Cup 2018 trên vé thật sẽ đổi màu khi nhìn ở các góc khác nhau; vé thật có ký hiệu chìm nhìn thấy được khi soi trước ánh sáng đèn; tem chống hàng giả có ánh kim, đổi màu…).

Trước thông tin rao bán vé trận chung kết tràn lan trên mạng internet, ông Cấn Văn Nghĩa – Phó Chủ tịch tài chính VFF, khẳng định: “Tính tới trưa ngày 11-12, VFF chưa phát hành một tấm vé nào ra ngoài thị trường. Người hâm mộ nên cẩn trọng trước những lời rao bán qua mạng”.

Theo tìm hiểu, sau khi kết thúc bán 10.300 vé online vào trưa 11-12, bắt đầu từ ngày 12-12, VFF sẽ tiến hành trả vé cho những người mua thành công, đồng thời chuyển số vé bán, vé mời còn lại cho đối tượng được nhận. Vì vậy, mọi hình ảnh đăng kèm lời chào bán vé trên mạng internet lúc này đều không phải hình ảnh thật vé chung kết Việt Nam – Malaysia.

Ngoài ra, ngay cả những người mua vé online thành công cũng chưa được biết chính xác vị trí ghế ngồi, cửa, khán đài cho tới khi nhận được vé từ VFF. Vì vậy thời điểm này, những lời rao nêu cụ thể vị trí cửa vào, tầng, khán đài… của vé đều chỉ với mục đích đánh lừa người mua.

Theo: Kenhdaututienao.com/baomoi

Exit mobile version