Phân tích kỹ thuật và dự đoán xu hướng thường xuyên được sử dụng trong giao dịch Bitcoin và tiền điện tử để giúp trader có thể hiểu rõ hơn về thị hiếu và tìm ra các xu hướng quan trọng trên thị trường, giúp họ có phán đoán tốt hơn và đưa ra quyết định khôn ngoan hơn cho giao dịch của mình.
Khi phân tích, trader sẽ tiến hành xem xét lịch sử của Bitcoin (chart giá) và sử dụng nhiều loại công cụ phân tích khác nhau để từ đó hiểu rõ hơn về thị hiếu và tìm ra các xu hướng quan trọng của thị trường.
Xác định xu hướng giá:
Xác định xu hướng, hoặc hướng chung mà giá đang di chuyển, có thể rất hữu ích cho các trader. Tuy nhiên, việc xác định những xu hướng này có thể không dễ do giá các loại tiền điện tử thường không ổn định và biến động rất lớn. Trên chart lịch sử giá Bitcoin sẽ thấy một loạt các đỉnh và đáy, bỏ qua các dao động nhỏ, các trader sẽ xác định xu hướng là đi lên (upward trend) khi thấy một loạt các đỉnh mới cao hơn đỉnh cũ/ đáy mới cao hơn đáy cũ và ngược lại họ có thể nhận biết được xu hướng đi xuống (down trend) khi họ nhìn thấy một loạt các đáy mới thấp hơn đáy cũ/ đỉnh mới thấp hơn đỉnh cũ.
Màu đỏ: Các đỉnh – Màu xanh: Các đáy. Trader xác định giá đang ở xu hướng tăng
Màu vàng: Xu hướng đi ngang và ổn định giá
Ngoài ra còn có xu hướng đi ngang (sideways), hoặc ổn định giá trong đó giá di chuyển lên hoặc xuống rất ít.
Có 3 cấp của xu hướng: Bao gồm ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
Đường trung bình động
Một công cụ khác phục vụ cho phân tích kĩ thuật, xác định xu hướng trong giao dịch tiền điện tử đó là đường trung bình động (moving average – MA). Giúp giảm bớt biến động giá để những người tham gia thị trường có thể hiểu rõ hơn về việc giá sẽ đi đâu.
Đường trung bình động thường dựa trên giá trung bình của tài sản trên một khoảng thời gian nhất định. Ví dụ, một trung bình động sẽ được tính dựa theo giá coin của 20 ngày giao dịch trước ngày đó (lấy giá từng ngày). Tập hợp tất cả các trung bình động của các ngày tạo thành một đường (line).
Tương tự, đường trung bình động lũy thừa ( EMA) cũng rất quan trọng, EMA là trung bình động mà khi tính toán cho giá trị của những ngày cuối nhiều tỷ trọng hơn những ngày trước đó, EMA giúp nhấn mạnh hơn đến các giá trị giá gần đây hơn khi tính trung bình. Ví dụ: Hệ số tính toán của 5 ngày giao dịch cuối cùng của EMA 15 ngày sẽ gấp đôi hệ số của 10 ngày trước đó.
Bằng cách phân tích các đường trung bình động, trader có thể hiểu rõ hơn khi giá dịch chuyển. Ví dụ hình dưới (đường màu tím là đường trung bình dài 20 ngày MA20, đường màu đỏ là trung bình ngắn 5 ngày MA5): Nếu MA 5 ngày nằm dưới MA 20 ngày (ở khung màu đỏ), điều này có thể chỉ ra một thị trường tăng giá đang chuyển hướng giảm. Nếu điều ngược lại diễn ra, đường MA ngắn nằm trên MA dài , thị trường đang chuyển hướng ngược lại là giá có xu hướng tăng (ở khung màu cam).
Kháng cự và hỗ trợ:
Trong phân tích kĩ thuật, các đường nối những đỉnh và đáy giá quan trọng gọi là đường hỗ trợ và kháng cự. Bằng cách xác định các đường này, trader có thể hiểu rõ hơn về cung và cầu xung quanh đồng tiền điện tử đó.
Mức hỗ trợ là mức giá mà một số lượng lớn các nhà giao dịch sẵn sàng mua, vì họ tin rằng đó là giá quá bán (oversold – tức là được bán với giá thấp hơn giá trị thực của nó). Khi giá tài sản tiến đến mức giá này, những người tham gia thị trường bắt đầu mua vào, tạo ra một mức giá sàn.
Ví dụ: Nếu giá bitcoin giao dịch trên 10.000 USD trong vài ngày, bất kỳ mức giá nào giảm về mức giá này có thể khiến những người tham gia thị trường tin rằng tài sản bị bán với giá quá bán và do đó bắt đầu mua vào.
Song song với đường hỗ trợ là mức kháng cự, là mức giá mà một số lượng lớn các nhà giao dịch được thúc đẩy để bán tài sán vì họ cho rằng đó là giá quá mua (overbought – nghĩa là bị định giá quá cao do nhiều nhà giao dịch mua với giá quá cao).
Ví dụ: Nếu giá bitcoin giao dịch dưới 10.000 USD trong nhiều phiên, việc giá tiến đến 10.000 USD có thể khiến một số lượng lớn các trader bắt đầu bán ra, do đó tạo ra mức kháng cự.
Bitcoin đôi khi dao động giữa các mức hỗ trợ và kháng cự, chúng phối hợp với nhau để tạo ra một phạm vi dao động giá. Đây được gọi là dao động đường ống (range bound), trader có rất nhiều cơ hội với kiểu giao dịch này, nếu phát hiện đường ống sớm thì tỷ lệ thắng khá cao. Nhưng lợi nhuận trên mỗi giao dịch mang lại là không lớn vì vùng giá dao động thường khá nhỏ.
Tuy nhiên, nếu giá bitcoin thoát khỏi một phạm vi giao dịch và có thể dẫn đến biến động mạnh đáng kể và tạo ra một xu hướng mới.
Ví dụ: Nếu giá Bitcoin vượt qua mức giá trước đây đóng vai trò là ngưỡng kháng cự (breakout), giá này thường kết thúc với vai trò là mức hỗ trợ trong xu hướng mới. Ngoài ra, điều ngược lại có thể xảy ra, nếu giá xuống dưới mức hỗ trợ, dẫn đến mức này trở thành một mức kháng cự mới.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, đợt breakout không làm thay đổi xu hướng giá hiện tại, vì vậy, trader cần sử dụng thêm các chỉ báo khác như khối lượng giao dịch (trading volume) để nhận diện xu hướng một cách chính xác hơn.
Tầm quan trọng của Khối lượng giao dịch
Khối lượng đóng vai trò rất quan trọng trong việc đánh giá xu hướng giá. Khối lượng cao chỉ ra xu hướng giá mạnh, trong khi khối lượng thấp cho thấy xu hướng yếu hơn.
Ví dụ: Nếu Bitcoin trải qua một xu hướng tăng dài và sau đó giảm mạnh một ngày, thì phải kiểm tra khối lượng giao dịch để xem việc liệu chuyển động đi xuống này là biểu hiện cho một xu hướng mới hay chỉ đơn giản là một sự thoái lui tạm thời.
Nói chung, giá tăng thì khối lượng giao dịch sẽ tăng. Nếu giá Bitcoin trải qua một xu hướng tăng nhưng trong bối cảnh khối lượng giao dịch thấp, có thể là xu hướng sắp kết thúc.
Lời kết:
Về bản chất, TA là sự phân tích các lực cung cầu của thị trường, là một đại diện cho tâm lý chung của thị trường liên quan chặt chẽ đến cảm xúc của các nhà giao dịch và nhà đầu tư (chủ yếu là các cảm xúc sợ hãi và tham lam). TA được coi là đáng tin cậy và hoạt động hiệu quả hơn trong các thị trường trong điều kiện bình thường, với khối lượng giao dịch lớn và thanh khoản cao. Các thị trường có khối lượng giao dịch cao ít bị ảnh hưởng bởi sự thao túng giá; và các ảnh hưởng bên ngoài bất thường có thể tạo ra các tín hiệu sai và khiến TA trở nên vô dụng. Bạn nên kết hợp cả phân tích cơ bản (FA) trong trường hợp này.
Nhiều nhà phê bình cho rằng, nếu một số lượng lớn các trader cùng dùng các loại chỉ số và công cụ phân tích như nhau, chẳng hạn như các đường hỗ trợ hoặc kháng cự, các chỉ số này sẽ có nhiều khả năng trở thành hiện thực hơn. Mặt khác, nhiều người ủng hộ TA lập luận rằng mỗi nhà nghiên cứu biểu đồ có cách phân tích biểu đồ riêng và họ sử dụng một số chỉ số có sẵn, điều đó có nghĩa là việc một số lượng lớn các nhà giao dịch sử dụng cùng một chiến lược giao dịch là điều không thể xảy ra.
Nguồn:Tổng hợp