Trong vai khách hàng, chúng tôi được một người tên T. hướng dẫn cài đặt ứng dụng MyAladdinz kèm ID do T. cung cấp. Theo giới thiệu của T., MyAladdinz là một ứng dụng kết nối các chủ gian hàng và khách hàng để đổi lấy tiền thưởng, được quy đổi bằng “gem” hay còn gọi là “ngọc”. Người dùng có thể tiếp cận được hàng chục ngàn chủ cửa hàng thông qua ứng dụng này. Để mua các sản phẩm mà ứng dụng này kết nối, người dùng phải bỏ tiền mua “gem”, mỗi “gem” là 1 USD (khoảng 23.000 đồng). Mức tiền tối thiểu mà ứng dụng này chấp nhận để người dùng có thể giao dịch là 100 “gem”, tương đương 100 USD (gần 2,4 triệu đồng).
Những lời rao mua sản phẩm, nhận thanh toán hộ qua MyAladdinz được hoàn 80% trên Facebook
Người mua hàng thanh toán bằng “gem”, khi giao dịch hoàn thành, sẽ được ứng dụng này hoàn trả 80% “gem” chứ không quy đổi thành tiền. “Gem cũng như tiền. Ứng dụng sẽ không hoàn trả tức thì 80% mà sẽ hoàn về trong thời gian 500 ngày. Thời gian đầu, mỗi ngày hoàn về 0,2% “gem”; đến 181 ngày, sẽ hoàn về mỗi ngày 0,1% “gem”. Em chi tiêu mua sắm càng nhiều hóa đơn thông qua ứng dụng, em sẽ được hoàn trả càng nhiều. Hiện mỗi ngày, chị được ứng dụng hoàn trả khoảng 40 USD (khoảng 1 triệu đồng)” – T. khoe với chúng tôi.
Có dấu hiệu đa cấp
Trong quá trình tư vấn cho chúng tôi, những người giới thiệu về MyAladdinz liên tục kêu gọi chúng tôi rủ thêm nhiều người thân hoặc bạn bè tải ứng dụng này về dùng để được tăng điểm thưởng và tiền hoa hồng.
T. nói, nếu chúng tôi đang kinh doanh online, cứ mạnh dạn rao bán, thanh toán qua ứng dụng và hoàn 80% giá trị đơn hàng để thu hút khách. “Trong mùa dịch, ai cũng khó khăn, người mua bỏ 100.000 đồng mua hàng mà được hoàn trả 80.000 đồng thì ai không ham. Người mua sẽ xúm vào hỏi, em có cơ hội giới thiệu ứng dụng, tăng hoa hồng” – T. thuyết phục.
Theo T., MyAladdinz chia mức thưởng hoa hồng theo tỷ lệ phần trăm và cấp bậc. Có tối đa 15 cấp bậc. Nếu chúng tôi giới thiệu A vào ứng dụng thì A sẽ là cấp I của chúng tôi. Còn A giới thiệu được bạn B vào ứng dụng thì B sẽ là cấp I của A và là cấp II của chúng tôi. Hoa hồng cũng tăng theo cấp, càng phát triển được mạng lưới nhiều cấp, hoa hồng thụ động càng nhiều.
Đáng chú ý, nếu là chủ cửa hàng kinh doanh trên hệ thống thì phải bỏ tiền mua 300 “gem” với giá 300 USD (khoảng 7 triệu đồng). Đổi lại, chủ cửa hàng có quyền đăng ký nhiều dịch vụ như thu hộ điện nước, bán thẻ cào điện thoại, thanh toán hộ lãi vay tiêu dùng, học phí, viện phí… để tăng cơ hội thu được “gem”.
Núp bóng ứng dụng để huy động vốn
MyAladdinz được giới thiệu là sản phẩm của Success Resources – một công ty chuyên tổ chức các sự kiện đào tạo quốc tế quy mô lớn với sự tham gia của những diễn giả nổi tiếng, trong đó có ông RichdadLoc – một diễn giả nổi tiếng ở Việt Nam (?).
Luật sư Trương Hồng Điền (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, theo khoản 3, Điều 25, Nghị định 52/2013, ứng dụng cài đặt trên thiết bị điện tử có nối mạng là một hình thức tổ chức của hoạt động thương mại điện tử, cho phép người dùng truy cập vào cơ sở dữ liệu của thương nhân, tổ chức, cá nhân khác để mua hàng hóa, cung ứng hoặc sử dụng dịch vụ. Các ứng dụng này phải đăng ký hoạt động thương mại điện tử với Bộ Công thương, nếu hoạt động không phép thì tùy mức độ, sẽ bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.
Khi chúng tôi tra cứu thông tin từ cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử của Bộ Công thương, ứng dụng MyAladdinz không có trong cơ sở dữ liệu đã được cấp phép.
Ông Võ Đỗ Thắng – Giám đốc Trung tâm Đào tạo quản trị và an ninh mạng Athena – cho biết, chuyển đổi tiền VNĐ thành “gem” trong ứng dụng MyAladdinz là một dạng biến tướng trong thanh toán. Theo quy định hiện hành, một ứng dụng để thanh toán phải có giấy phép. Việc sử dụng một ứng dụng chưa được cấp phép sẽ đem lại nhiều rủi ro như mất tiền, bị đánh cắp dữ liệu và người dùng phải tự chịu trách nhiệm.
Hiện nay, sự cố xảy ra trên mạng được cơ quan chức năng xử lý rất chậm, có những trường hợp không xử lý được. “Các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Công thương vẫn chưa có chính sách quản lý nghiêm nên các ứng dụng không phép phát triển tràn lan” – ông Thắng nhận định.
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, MyAladdinz vừa giống như một “chợ” thương mại điện tử, vừa giống như một ví điện tử mượn danh trữ tiền điện tử (đồng “gem”) nhưng thực chất là một mô hình ponzi, tức một hình thức huy động vốn đa cấp bất hợp pháp, kinh doanh lừa đảo. Ứng dụng này đang lấy tiền của người đến sau để trả cho người đến trước, khi không có người tham gia mua “gem” nữa thì hệ thống sẽ sụp đổ và người tham gia sẽ khó lấy lại số tiền đã đầu tư.